Hội LHPN TPHCM || Tổ chức kết nối giao thương tại Tỉnh Quảng Nam Năm 2024
Hội LHPN TPHCM || Tổ chức kết nối giao thương tại Tỉnh Quảng Nam Năm 2024
Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Thành Nguyễn Chích bên núi Hoàng Sơn, ở địa phận xã Châu Chuế, huyện Nông Cống, Thanh Hóa, ven con sông nhỏ Hoàng Giang, bên kia sông là động Nghiêu Sơn. Hai bên tả hữu dựa vào núi làm thành, chỗ nào núi đứt đoạn ra thì đắp đất làm lũy… Nay dấu cũ thành ấy vẫn còn”.
Đầu phía nam dãy Hoàng Sơn là làng Hồi Cù, có một ngọn núi mọc riêng biệt, như một vọng gác. Đứng trên đỉnh núi này nhìn về phía nam là ngã ba Cầu Quan, vùng đất hữu tình từng được ghi trong ca dao: Cầu Quan vui lắm người ơi/ Trên thì chợ họp, dưới bơi thuyền rồng. Đoạn lũy phía nam, do nghĩa quân của Nguyễn Chích xưa đắp để nối hai dãy núi với nhau, dài gần 200m, ranh giới làng Hồi Cù bên ngoài và làng Nhâm Cát bên trong thành. Núi Hoàng núi Nghiêu hai bên, vách đá dựng đứng, phía đông còn dấu vết một lối ra vào, tục gọi là Cửa Tiền. Lối ra vào thành men theo chân núi. Xuống núi, một bên là làng Ó, xã Tân Phúc, một bên là Hoàng Giang. Xuôi theo sông chừng 2 cây số là tới vụng sông làng Nhâm Cát. Khoảng bãi sông dài và rộng bên mé Hoàng Sơn, tục gọi là Bãi tập, nơi xưa kia tướng quân Nguyễn Chích luyện quân. Ngày nay người địa phương còn truyền kể rằng, ngày xưa, thung Dinh là nơi tướng Nguyễn Chích ở, thung Đình là nơi các tướng sĩ họp bàn đại sự. Còn thung Chanh, thung Ổi là chỗ quân sĩ ở… Các thung này đều ở mạn bắc Hoàng Sơn. Nơi đây có một lũy đất cao, đắp đá dưới chân rất vững chắc. Đoạn lũy phía bắc thành này dài từ khuỷu núi Hoàng tới bờ Hoàng Giang, và chỉ cần một con đò nhỏ là có thể đi sang chân núi Nghiêu. Lũy này, cùng lũy mạn nam, nối hai dãy núi lại, tạo nên một tòa thành kín đáo và vững chắc, dường như thiên nhiên ưu đãi cho tướng quân Nguyễn Chích cùng các nghĩa sĩ chống giặc Minh xâm lược!
Dãy Nghiêu Sơn có một thung rất lớn, rộng vài chục mẫu, chỉ có một cửa duy nhất, dân gian bao đời gọi là động Nghiêu Sơn. Trong động có một gò đất rộng và bằng phẳng. Tương truyền, đây là nơi tướng quân Nguyễn Chích gặp gỡ hào kiệt bốn phương về tụ nghĩa, tục gọi là đồi Chiêu Nghĩa. Hoàng Giang trong khu cứ địa Hoàng Nghiêu cũng là một con sông đặc biệt. Dòng nước quanh năm ngầu đỏ, lên xuống theo thủy triều. Hai đầu sông ở ngoài thành là hai ngã ba. Mạn nam, sông Yên từ xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương chảy về, hợp với Hoàng Giang, tạo nên ngã ba Vực Thần, rồi xuôi chảy vào cứ địa Hoàng Nghiêu. Còn mạn bắc, một nhánh sông Chu từ Thiệu Hóa, qua Vạn Lộc, huyện Triệu Sơn chảy xuống, hợp với Hoàng Giang tạo nên ngã ba Hón Ó. Từ ngã ba sông Hón Ó nhìn lên, thấy thành Nguyễn Chích sừng sững trước mặt.
Nói đến thành lũy Hoàng Nghiêu, không thể không nói tới anh hùng Nguyễn Chích. Theo gia phả họ Lê ở Vạn Lộc soạn từ thời Lê Trung Hưng, ông sinh năm 1383 tại thôn Mạc, xã Vạn Lộc, Đông Sơn, Thanh Hóa. Dân chúng Vạn Lộc truyền kể rằng, thuở nhỏ Nguyễn Chích đi chăn trâu, cắt cỏ thường cùng mục đồng chơi trò đánh trận. Dấu vết còn lưu lại là những đồng Quan, đồng Trại, cồn Luyện, cồn Binh, cồn Cờ… thuở thiếu thời ông chơi trò bày trận. Lớn lên vừa lúc giặc Minh xâm lấn, ông tụ tập trai tráng trong vùng dựng cờ khởi nghĩa chống giặc. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Bành cũng là một nữ tướng trong quân khởi nghĩa. Sớm thấy được vùng Hoàng Nghiêu có thế núi làm thành, sông làm hào, nên ông chọn làm cứ địa. Chính tại cứ địa này, tháng 6.1412, nghĩa quân của Nguyễn Chích, một mặt cố thủ, một mặt dùng hỏa công, đánh bại đạo quân giặc Trương Phụ. Sách Thanh Hóa tỉnh chi chép: “hễ quân tướng nhà Minh tới, ông cho nghĩa quân giữ chỗ hiểm, cố thủ; tướng nhà Minh lui quân, ông đem quân đón đánh. Giặc phải kinh sợ…”. Đến năm Mậu Tuất 1418, Nguyễn Chích đem nghĩa quân của mình gia nhập đại quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo.
Năm 1424, Nguyễn Chích cầm quân tiên phong vào Nghệ An, giết chết tướng giặc Phùng Quý. Chiếm Nghệ An xong, ông kéo quân vào trấn giữ Tân Bình, Thuận Hóa. Lê Lợi rảnh ở phương nam, mở chiến dịch phản công, rồi đưa đại quân tiến ra vây đánh thành Đông Quan. Thời kỳ này, lực lượng binh sĩ còn lại ở cứ địa Hoàng Nghiêu do bà Nguyễn Thị Bành và các tướng sĩ trông coi đã không ít lần đánh thắng giặc Minh ở Thanh Hóa. Đầu năm 1427, Nguyễn Chích đưa quan ra bắc, dụ hàng giặc ở Điêu Diêu, Thị Cầu. Rồi ông cùng Trịnh Khả đánh tan quân của Mộc Thạnh tại ải Lê Hoa, Hà Giang, góp phần vào công cuộc đánh bại hoàn toàn giặc Minh…
Căn cứ quân sự Hoàng Nghiêu cùng tên tuổi, sự nghiệp của Nguyễn Chích sẽ trường tồn trong lịch sử dân tộc. Đây là địa chỉ du khảo quý giá của tỉnh Thanh Hóa, thu hút nhiều nhà nghiên cứu và khách thập phương.