Trong đơn gửi đến Cục thi hành án dân sự TP.HCM (THADS), bà Trương Mỹ Lan lên tiếng về các tài sản. Theo đó, đối với một số tài sản không liên quan đến vụ án, không bị thế chấp hoặc kê biên, cùng với các tài sản mà bạn bè cho mượn để bán, chuyển nhượng nhằm huy động thêm nguồn lực khắc phục hậu quả, bà mong muốn cho phép gia đình chủ động tìm kiếm đối tác, khách hàng để tiếp tục phát triển hoặc chuyển nhượng.
Trong đơn gửi đến Cục thi hành án dân sự TP.HCM (THADS), bà Trương Mỹ Lan lên tiếng về các tài sản. Theo đó, đối với một số tài sản không liên quan đến vụ án, không bị thế chấp hoặc kê biên, cùng với các tài sản mà bạn bè cho mượn để bán, chuyển nhượng nhằm huy động thêm nguồn lực khắc phục hậu quả, bà mong muốn cho phép gia đình chủ động tìm kiếm đối tác, khách hàng để tiếp tục phát triển hoặc chuyển nhượng.
Một bất động sản ở quận 3 (TP.HCM) được bà Trương Mỹ Lan nhờ người đứng tên hộ. Sau đó, bất động sản này trở thành tài sản đảm bảo cho khoản vay có giá trị hơn 400 tỉ đồng tại Sacombank.
Theo bản án hình sự sơ thẩm vụ án bà Trương Mỹ Lan, Sacombank có một số tài sản đang thế chấp đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng nhưng bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ngăn chặn trong quá trình rà soát, xác minh các tài sản liên quan đến vụ án.
Các bất động sản này là tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại Sacombank và các khoản vay này đều thuộc nhóm nợ xấu, cần phải xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, khắc phục thiệt hại cho Sacombank theo thỏa thuận các bên trong các hợp đồng.
Bản án của tòa nêu rõ: để đảm bảo quyền của ngân hàng cũng như đảm bảo thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, cần xem xét chấm dứt ngăn chặn giao dịch, giao các bất động sản cho ngân hàng.
Điều này nhằm bảo đảm xử lý các khoản vay tại ngân hàng, phần tiền còn lại sau khi xử lý các khoản nợ (nếu có) đề nghị ngân hàng nộp lại để đảm bảo nghĩa vụ tương ứng của các bị cáo.
Trong danh sách có một bất động sản tại số 53 Phạm Ngọc Thạch, phường 6 (nay là phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM) đứng tên bà Nguyễn Thị Hoàng. Tài sản này, theo bản án, thực chất thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan, còn bà Nguyễn Thị Hoàng chỉ là cá nhân được nhờ đứng tên, tài sản đang đảm bảo khoản vay tại ngân hàng với khoản nợ 412 tỉ đồng.
Tổng nghĩa vụ nợ của bà Nguyễn Thị Hoàng đối với Sacombank bao gồm cả gốc và lãi là 475 tỉ đồng. Giá trị bất động sản 53 Phạm Ngọc Thạch được định giá 480 tỉ đồng.
Một doanh nghiệp khác cũng cần phải nộp lại số tiền lớn liên quan bà Trương Mỹ Lan là Công ty Phú An do bà Phan Thị Phương Thảo làm đại diện.
Theo bản án hình sự sơ thẩm, bà Thảo và Công ty Phú An có giao dịch hợp tác với bà Trương Mỹ Lan. Hiện bà Thảo và Công ty Phú An vẫn còn nợ bà Lan 145 tỉ đồng và 1.000 lượng vàng SJC.
Để đảm bảo thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, tòa đã buộc Công ty Phú An và bà Thảo nộp lại số tiền và vàng nêu trên để đảm bảo nghĩa vụ cho bà Lan trong toàn bộ vụ án.
Đáng chú ý Công ty cổ phần T&H Hạ Long và Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh còn phải nộp lại hơn 6.095 tỉ đồng. Cả hai doanh nghiệp trên đều liên quan hai cha con ông Đào Hồng Tuyển - chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu.
Theo bản án hình sự sơ thẩm vụ án bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm, ông Đào Anh Tuấn (con trai ông Đào Hồng Tuyển), T&H Hạ Long và Âu Lạc Quảng Ninh đã nhận tổng cộng 6.095 tỉ đồng từ bà Trương Mỹ Lan.
Hợp tác giữa phía bà Lan và doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tuần Châu chủ yếu liên quan tới hơn 18 triệu cổ phần, tương ứng 71% vốn tại T&H Hạ Long, và một phần dự án khu biệt thự Morning Star và khu biệt thự Hoàng Long.
Tuy nhiên theo hồ sơ vụ án thể hiện, thực tế bà Lan đã chuyển cho hai doanh nghiệp T&H Hạ Long và Âu Lạc Quảng Ninh số tiền 6.095 tỉ đồng và tiền này lại từ nguồn SCB. Vì vậy, tòa tuyên buộc thu hồi số tiền nêu trên về cho SCB để đảm bảo khắc phục vụ án.
Ngoài hình phạt với các bị cáo, tòa cũng có phán quyết về xử lý tài sản và trách nhiệm bên liên quan. Trong đó, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai buộc phải hoàn trả hơn 2.882 tỉ đồng đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan để đảm bảo thi hành nghĩa vụ cho bị cáo này.
Đồng thời, tòa tuyên tiếp tục kê biên 475 bất động sản liên quan đến Quốc Cường Gia Lai để đảm bảo nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Theo bản án, bà Lan đã thông qua Công ty cổ phần đầu tư Sunny Island ký hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) với Quốc Cường Gia Lai với giá 14.800 tỉ đồng.
Sau đó phía bà Lan đã thanh toán cho Quốc Cường Gia Lai 2.882 tỉ đồng và nhận các giấy tờ tài liệu liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng dự án nêu trên. Sau khi nộp lại số tiền này, Quốc Cường Gia Lai sẽ được nhận lại toàn bộ các bất động sản cùng giấy tờ liên quan.
Trong khi đó kết quả kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai đi xuống. Cụ thể, doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp trong quý 1-2024 chỉ đạt gần 39 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 651 triệu đồng, giảm lần lượt 76% và 28% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối tháng 3-2024, tổng tài sản Quốc Cường Gia Lai ở mức 9.515 tỉ đồng, nhưng hàng tồn kho chiếm hơn 7.033 tỉ đồng. Tiền mặt chỉ còn 29,6 tỉ đồng.
Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát buộc phải nộp lại số tiền hơn 2.355 tỉ đồng để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn cho bà Lan.
Từ tháng 3-2003, Hồng Phát được UBND tỉnh Long An chấp thuận cho đầu tư khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa với diện tích hơn 324ha tại huyện Đức Hòa.
Để thực hiện dự án, Hồng Phát đã ký thỏa thuận khung hợp tác với Công ty China Polycy Limited (CPL), trong đó Hồng Phát chỉ chiếm 30% vốn, còn lại là CPL.
Theo thỏa thuận, CPL chuyển hơn 15,6 triệu USD cho Hồng Phát, nhưng sau đó Hồng Phát không thành lập công ty liên doanh như thỏa thuận. CPL đã khởi kiện Hồng Phát tại Trung tâm trọng tài VIAC và được phán quyết "Hồng Phát phải thực hiện thỏa thuận khung, thành lập công ty liên doanh...".
Đến năm 2019, Hồng Phát có vay của bà Trương Mỹ Lan hơn 2.355 tỉ đồng. Bà Lan đòi Hồng Phát phải dùng 13 quyền sử dụng đất tại Đức Hòa (Long An) để thế chấp cho các công ty của bà Lan vay tiền tại SCB. Bởi vậy, tòa tuyên Hồng Phát phải trả lại số tiền đã vay bà Lan và SCB sẽ phải hoàn trả 13 quyền sử dụng đất nêu trên để công ty này thực hiện phán quyết của trọng tài.